hoangminhtonga

Chú ý trong tuần

Giới thiệu dịch vụ Tham vấn - Trị liệu Tâm lý tại Việt An

Chào đón bạn đến với Việt An - trung tâm cung cấp dịch vụ Tham vấn - Trị liệu Tâm lý. Với đội ngũ chuyên gia được đào tạo chuyên môn với phương pháp điều trị dựa vào bằng chứng (EBP - Evidence Based Practice) và kinh nghiệm lâm sàng, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên con đường hồi phục và phát triển. Mời bạn khám phá thêm về dịch vụ của Việt An trong bài viết sau đây.


Thông tin về địa điểm: Hiện tại, Việt An đang cung cấp dịch vụ tư vấn trực tuyến thông qua các phần mềm như Zoom hoặc Google Meet. Để đảm bảo tính bảo mật và hiệu quả của quá trình trị liệu, chúng tôi khuyến khích thân chủ chuẩn bị một không gian riêng tư và đường truyền wifi ổn định.


Về tiến trình và chi phí:

  • Tiến trình trị liệu bao gồm hai giai đoạn:

    • Giai đoạn 1 - Chẩn đoán: Thời lượng từ 1 đến 2 phiên. Trong giai đoạn này, thân chủ trình bày vấn đề của mình và cùng với nhà trị liệu thống nhất và xây dựng kế hoạch làm việc.

    • Giai đoạn 2 - Can thiệp: nhà trị liệu sẽ hỗ trợ thân chủ tháo gỡ vấn đề. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về quá trình tiếp theo, thân chủ nên trao đổi trực tiếp với nhà trị liệu của mình.

  • Mức phí:

    • Chẩn đoán: 1,800,000đ / phiên (90 phút)

    • Can thiệp: 1,500,000đ / phiên (60 - 90 phút). Thân chủ cần thanh toán phí trước ít nhất 01 ngày và gửi chứng nhận chuyển khoản để xác nhận.


Lưu ý:

  • Sự mong muốn tham gia tư vấn trị liệu của thân chủ là yếu tố quan trọng để đạt được kết quả tốt nhất.

  • Để tiến trình trị liệu hiệu quả, thân chủ cần dành thời gian và kiên nhẫn, và sẵn lòng làm việc trên các vấn đề của bản thân.

  • Trước phiên chẩn đoán, thân chủ cần điền thông tin và gửi lại cho quản lý để chuyển cho nhà Trị liệu.

  • Lịch hẹn cho các phiên sau thường được đặt vào đầu tuần, và thân chủ cần liên hệ để xác nhận và điều chỉnh lịch với quản ca.

  • Lịch hẹn được sắp xếp dựa trên sự thuận tiện của cả hai bên (thân chủ và nhà trị liệu).

  • Trong trường hợp hủy lịch hẹn mà không thông báo trước (ít nhất 12 tiếng), phí sẽ không được hoàn lại.

Hoá ra, chúng ta có thể chưa hiểu gì về nhau.

Yêu là khao khát muôn thuở. Yêu mang đến cảm giác được quý trọng, khao khát, thuộc về, mình là duy nhất. Do đó, thời gian đầu khi yêu, chúng ta say mê nhau lắm mà điều này là cần thiết. Sự say mê làm cho cảm xúc của cả hai dạt dào, thôi thúc gắn kết. Khi muốn gắn kết, tức là chúng ta muốn xít lại gần nhau: xa thì nhắn, gần thì gặp. Cưới nhau về, chúng ta lại gần nhau hơn mỗi ngày. Gần gũi nhau thì sẽ va vào nhau một cách vô tình hay hữu ý. Va thì sẽ chạm, chạm thì sẽ cọ, cọ thì sẽ làm đau nhau hoặc sát thương nhau.


Trong những lần sát thương như thế, chỉ có cam kết ở lại và sự thấu hiểu nhau mới là sợi dây giúp cho cả 02 người không buông tay. Hôm nay, chúng ta bàn về việc bạn có thể nhận ra bạn - chưa - hiểu - sâu nửa kia của mình.


Nhiều cặp đôi đến với chúng tôi trong tình trạng đỗ lỗi cho nhau, và đa số họ đều bày tỏ:

  • “Anh ấy không hiểu gì về tôi, chứ tôi rành anh ấy lắm?”,

  • “Tôi hiểu ông ấy quá rõ, cái tính nết đó là do….”

  • “Bao nhiêu năm sống chung, không lẽ tôi không hiểu bả?”


Các cặp đôi nghĩ rằng, trước khi họ cưới, họ cùng nhau trải qua những sóng gió cuộc đời hay thời gian dài hẹn hò là đã ‘hiểu nhau’. Thế là chúng tôi đặt những câu hỏi cho cả hai. Tính chất và mức độ hiểu nhau của từng câu hỏi tăng dần theo thời gian, ví dụ:

  • Anh/cô ấy thích màu gì? Anh/cô ấy thích ăn món nào nhất?

  • Anh/cô ấy thích đi du lịch ở đâu?

  • Gu đọc sánh, xem phim, ăn mặc của anh/cô ấy thế nào?

  • Trường Đại học mà anh/cô ấy theo học?


Không phải 100% các cặp đôi đều trả lời hết những câu hỏi trên, chưa tính đến việc trùng khớp câu trả lời. Chúng tôi hay nói “đùa”, đây là những câu hỏi mà khi mình đi du lịch cùng với ai đó thì họ cũng có thể biết được nếu mình chia sẻ.


Chúng tôi tiếp tục đặt thêm những câu hỏi:

  • Anh/cô ấy có vào đúng trường Đại học hay đang làm đúng công việc ước mơ không?

  • Anh/cô ấy mơ ước điều gì? Ước mơ đó thành hiện thực chưa? Nếu chưa, điều gì cản trở

  • Anh/cô ấy có bao nhiêu bạn thân? Khi anh/ cô ấy buồn nhất thì anh/ cô tâm sự với ai?

  • Trong gia đình gốc, anh/cô ấy thương ai nhất và nghe lời ai nhất? Tại sao?

  • Hiện tại, anh/cô ấy đang dằn vặt điều gì nhất?

  • Từ khi ra trường, anh/ cô ấy đã làm qua những công việc nào?

  • Nỗi đau, tổn thương nào về mặt tâm lý xuất phát từ thời thơ ấu của anh/cô ấy?

 

Khoảng 30-40% trả lời được các câu hỏi trên, chưa tính đến việc câu trả lời trùng khớp nhau.


Đây là những thông tin mà chúng ta không thể biết trong một ngày, một tuần mà cần thời gian chia sẻ của hai người trong những khung cảnh an toàn. Những câu hỏi trên có quan trọng không? Chúng tôi trả lời: vô cùng quan trọng! Chẳng hạn như, bạn không hiểu ước mơ của bạn đời thì làm sao sống trong ước mơ chung, làm sao đối thoại để cả hai cùng thực hiện ước mơ để cả hai cùng triển nở. Chuyện sẽ ra sao nếu anh muốn lập nghiệp tại Việt Nam nhưng chị muốn định cư nước ngoài.


Việc hiểu những công việc mà anh/cô ấy từng làm qua có thể cho bạn hình dung sự nỗ lực, khó khăn, chặng đường mà anh/cô ấy chinh phục cho ước mơ của họ, để bạn nhìn những việc họ làm hôm nay qua lăng kính thán phục.


Hiểu thêm về gia đình gốc của nhau, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy sự trợ giúp đáng tin cậu nếu biết ai là người trong gia đình mà anh/cô ấy thương và nể nhất. Để đến khi cả hai không thể mở lời, bạn có thể nhờ đến người mẹ, người bố, người anh, người chị của họ giúp tái gắn kết.


Bạn cũng sẽ cần hiểu, anh/cô ấy có bao nhiêu bạn thân. Khi anh/cố ấy buồn nhất thì họ gặp ai. Nhất là trong lúc này, lúc cả hai cãi vã hay đau buồn nhất, họ không tâm sự với mình, họ có nhu cầu tìm ai khác tâm sự, thì người đó là ai? Tại sao người đó không phải là mình? Điều gì làm cho người bạn đời của bạn không thể kết nối tâm sự với bạn khi họ đau buồn, thất vọng, thất bại trong cuộc sống. Nhất là, mối tình và cuộc hôn nhân đều trải qua những phút giây thịnh vượng và thời khắc gian nan.


Còn rất nhiều những câu hỏi để cả hai hiểu nhau. Hiểu để thấy được những khung cảnh lớn lên của nhau, hiểu để thấy những gian khó quá khứ của nhau, hiểu để thấy những gì họ làm hôm nay là do họ đang không ngừng nỗ lực. Hiểu phải hiểu thấu.

Thấu hiểu để biết rằng, những gì người kia đang làm cho bạn không phải là đương nhiên.


Chúng tôi thường hay nói với các cặp đôi rằng không đợi đến khi có sự cố, sự vụ, sự việc mới ngồi lại đối thoại. Đối thoại ngay cả khi hạnh phúc, thường thì chia sẻ đối thoại khi hạnh phúc mới xây dựng bề dày tình nghĩa để dùng cho phút khó khăn.


Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn rất thương những cặp đôi, cặp vợ chồng đã mất kết nối từ lâu, dẫn đến việc không còn động lực chia sẻ. Bạn có thể bắt đầu nghĩ đến việc cần trợ giúp từ các trung tâm hỗ trợ Tâm lý chuyên về Cặp đôi, tự tìm hiểu qua các khoá huấn luyện tâm lý về Tình yêu một cách khoa học. Trong trường hợp bạn rất cần ai đó lắng nghe, Đường dây Lắng nghe Yêu thương của Việt An mở vào 2:30-4:30, thứ Bảy hàng tuần có thể được bạn cân nhắc.


Hạnh phúc trong tình yêu là công việc đòi hỏi sự bỏ chung của cả hai hoặc ít nhất một người thay đổi. Hạnh phúc không thể đến nếu cả hai đều ngồi chờ đối phương làm gì đó cho mình. Hai bạn hãy là tâm giao của nhau chứ đừng sơ giao.

Nếu Valentine đang là gánh nặng trong lòng bạn, làm gì để nhẹ lòng?

Ngày Valentine không chỉ đơn thuần là một dịp kỷ niệm tình yêu mà còn là một thách thức về mặt tâm lý và tinh thần đối với giới trẻ, dưới sự áp lực từ các yếu tố xã hội, tài chính và tâm lý. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng áp lực xã hội có thể ảnh hưởng lớn đến cách mà người trẻ cảm nhận và phản ứng với ngày Valentine.


Theo một bài báo được công bố trên tạp chí Psychology Today, nghiên cứu đã chỉ ra rằng trên mạng xã hội, hình ảnh về tình yêu lãng mạn và cuộc sống hoàn hảo thường được biên tập và thổi phồng, tạo ra một tiêu chuẩn không thể đạt được. Điều này có thể gây ra cảm giác bất lực và không tự tin cho những người trẻ cảm thấy họ không thể đạt được "tiêu chuẩn" này.


Nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên kết giữa áp lực tài chính và tâm lý. Theo một khảo sát trên trang web CNBC, khoảng 55% người Mỹ đã chi tiêu khoảng 20 đến 50 USD cho quà Valentine cho người yêu. Sự tăng cường chi tiêu này có thể tạo ra áp lực tài chính không chỉ đối với người trẻ mà còn đối với gia đình và người thân. Việc lo lắng về chi phí và tài chính có thể gây ra căng thẳng tinh thần.


Ngoài ra, một nghiên cứu trên trang web của American Psychological Association đã chỉ ra rằng áp lực so sánh với người khác có thể gây ra cảm giác tự ti. Thấy bạn bè hoặc người thân có một mối quan hệ lãng mạn hoặc nhận được những món quà đặc biệt có thể làm cho người trẻ cảm thấy bị "bỏ lại phía sau," gây ra cảm giác bất an về bản thân và mối quan hệ của họ.


Cuối cùng, niềm tin về tình yêu cũng có thể gây ra căng thẳng tinh thần. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychiatric Times chỉ ra rằng sự kỳ vọng và áp lực về một mối quan hệ lãng mạn vào ngày Valentine có thể gây ra căng thẳng tâm lý và lo lắng không cần thiết đối với những người trẻ độc thân hoặc đang trong một mối quan hệ mới.


Tổng thể, những áp lực này có thể gây ra căng thẳng tinh thần cho giới trẻ vào ngày Valentine, và đòi hỏi sự quan tâm và hỗ trợ tâm lý từ cộng đồng và gia đình để giúp họ vượt qua.


Cần làm gì để giảm áp lực trong ngày Valentine?


Nếu bạn không đang trong mối quan hệ cặp đôi

Nhà Tâm lý học chuyên nghiên cứu về những yếu tố trọng yếu nhất góp phần tạo nên tình yêu trọn vẹn, R. Sternberg, ông chỉ ra rằng một tình yêu lý tưởng bao gồm ba yếu tố: Tình bạn, Cam kết và Đam mê. Sẽ không có gì đáng lo ngại nếu bạn vẫn đang độc thân và có những người bạn thân thiết. Sẽ tuyệt vời nếu bạn đang “để ý” một ai đó thì khoảng thời gian làm bạn, hiểu nhau, thấu hiểu là một nền móng kiên cố cho mối quan hệ cặp đôi sau này.


Nếu bạn đang trong mối quan hệ cặp đôi và mối quan hệ ấy vừa mới bắt đầu gần đây.

Rất có khả năng, bạn và nửa kia đang bước vào giai đoạn Đam mê của tình yêu. Giai đoạn này cả hai nhiều cảm xúc lắm, đa phần là cảm xúc tích cực như vui, hưng phấn, phấn khởi… Đa phần, chúng ta sẽ đánh đồng cảm xúc với tình yêu nên thường có hành vi gắn bó thường xuyên như muốn hẹn hò, muốn kết nối, bày tỏ sự quan tâm… Chính vì cảm xúc dạt dào, hành vi mong muốn gắn bó cao nên mọi cử chỉ bày tỏ tình cảm đều được cả hai đón nhận. Sự đón nhận này diễn ra trong cảm xúc tích cực, do đó mọi sự bày tỏ tình cảm trong ngày Valentine để được nửa kia xem trọng. Trong giai đoạn này, bạn không cần so sánh, hay vươn tới những tiêu chuẩn “tặng quà” vượt quá sức của bạn. Một tấm lòng, tận tay nấu bửa cơm, một món quà tinh ý đều có thể làm cả hai vui vẻ trong Valentine.


Nếu bạn và nửa kia đã ở trong mối quan hệ cặp đôi trong một thời gian dài.

Thời điểm này, giai đoạn Đam mê lắng xuống, cảm xúc cũng theo đó mà dịu đi đáng kể. Nếu thời gian đầu, chúng ta xem cảm xúc cao trào là hình bóng của tình yêu thì giai đoạn này mình nghĩ là “chắc hai người không còn yêu nhau như trước?”. Điều này sẽ đúng về mặt bản chất nếu cả hai không cùng nhau mở rộng 03 yếu tố tình yêu như Sternberg có chỉ ra.


Hơn nữa, bản chất của mối quan hệ cặp đôi là sự va chạm. Khi mới yêu nhau, cảm xúc dạt dào và hai người chưa có thời gian dài bên nhau, nên sự va chạm không được để ý tới vì cảm xúc quá mãnh liệt và những điểm không tốt của từng người chưa có điều kiện bọc lộ. Nếu hai người không mở lòng đối thoại thì những va chạm tuy nhỏ sẽ tích luỹ và làm mài mòn cả 03 yếu tố góp phần xây dựng 01 tình yêu lý tưởng: Đam mê, Cam kết và Tình bạn (sự thấu hiểu và yêu thích nhau).


Khi 03 yếu tố bị mài mòn thì những cử chỉ bày tỏ tình cảm sẽ thường không được ghi nhận bởi nửa kia, hoặc không muốn bày tỏ nhưng phải thực hiện vì những lý do nào đó.


Như vậy, cần làm gì để mở rộng 03 yếu tố trên. Có một chuỗi những phương pháp khoa học tiếp cận từ gốc ở cả ba yếu tố qua khoá học huấn luyện tâm lý “Tìm hạnh phúc trong tình yêu” của Tiến sĩ Hoàng Minh Tố Nga. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta có thể áp dụng một trong những cách cải thiện dễ thực hiện nhất, đó là áp dụng 05 Ngôn ngữ yêu thương trong việc bày tỏ tình yêu lứa đôi.


Ngôn ngữ yêu thương: tặng quà

Không phải một món quà giá trị là có thể làm nửa kia rung động. Món quà đến từ sự để tâm, để ý. Món quà do chính tay mình làm thì càng cho thấy những tình cảm được đưa vào đó. Chẳng hạn như, thấy người yêu hay bạn đời của mình ngồi làm việc thời gian dài trong ngày, dẫn đến đau lưng, bạn có thể tặng cho người ấy một tấm lót lưng với những dòng chữ thể hiện sự quan sát của bạn, thương lấy cảm giác đau mỏi của người yêu khi làm việc vất vả.


Ngôn ngữ yêu thương: chăm sóc

Đừng đợi đến khi người ấy không khoẻ hay đổ bệnh mới chăm sóc. Quan sát, ghi nhận những thay đổi nhỏ của người ấy để chăm sóc tận tình. Một cốc chocolate nóng đặt trên bàn làm việc vì biết chàng đang chạy dự án , một thao nước ấm pha muối cho nàng vì biết người ấy ngày mai người ấy phải đưa mẹ đi khám bệnh, dành thời gian về sớm dọn dẹp nhà cửa dù biết đây là công việc của vợ nhưng vợ đang trong thời điểm phải lo cho nhà bên kia.


Ngôn ngữ yêu thương: thời gian chất lượng

Không phải khi có sự vụ, sự việc mới dành giờ cho nhau để giải quyết. Một khoảng thời gian riêng tư của hai người trong một ngày là điều cần thiết, thời điểm đó không có sự hiện diện của điện thoại, thời điểm này không dành cho con, không trò chuyện về người khác, tập trung nói về chuyện của hai người. Chia sẽ, bày tỏ những điểm tích cực về nhau. Có một điều nghịch lý là chúng ta hay khoe những tích cực của người bạn đời mình với người khác, nhưng họ lại ít được nghe.


Ngôn ngữ yêu thương: lời nói tử tế

Ngôn ngữ này thường được kết hợp với “thời gian chất lượng”. Lời nói tử tế khác với việc “luôn nói tốt về nhau”. Nhắc lại, cả hai người đều sẽ có những phút giây làm người kia buồn lòng, nhưng nói sao để bản thân được bày tỏ nhu cầu mà không làm mất lòng người kia là một cách thức cần phải học. Dễ thực hiện nhất là nói lên cảm xúc của mình và sự việc thực tế dẫn đến cảm xúc đó, ví dụ: “Hôm nay em buồn. Chúng ta có quy định là mỗi thứ sáu sẽ dùng cơm chung ở nhà. Nhưng chúng mình đã hai tuần không thực hiện được. Em biết anh đang trong giai đoạn cuối năm bận rộn. Em có thể chia sẻ được gì với anh không?”. Câu đó sẽ rất khác với phiên bản này :”Hai tuần rồi không dùng cơm với nhau. Anh bận suốt hai tuần. Chúng mình có quy ước với nhau rồi mà. Anh không nhớ hả?”


Ngôn ngữ yêu thương: xúc chạm cơ thể

Một nụ hôn má khi rời nhà mỗi sáng, một nụ hôn trán trước khi đi ngủ, một cái ôm chặt khi về nhà sau một ngày sóng gió, một cái đặt vai động viên, một cái siết tay cùng nhau khi cầu nguyện… đều là những hành vi xúc chạm cơ thể đầy sự yêu thương. Xét về góc độ tinh thần, xúc chạm cơ thể còn cho nửa kia cảm thấy họ được chấp nhận, họ được yêu thương, vì không phải ai lớn lên cũng tự tin về cơ thể của mình.

Năm ngôn ngữ yêu thương có vẻ dễ thực hiện nhưng vẫn là “ngôn ngữ” cần được học. Nếu bạn bày tỏ “ngôn ngữ” này nhưng nhận lại những phản ứng không mong muốn từ nửa kia, xin bạn hãy kiên trì. Vì nửa kia, họ không cố ý phản ứng đâu, họ vui trong lòng nhưng họ lúng túng trong cách phản hồi. Điều này có thể là vì họ ít được nghe và nhận lấy những cử chỉ yêu thương trong suốt cuộc đời họ.


Hãy thực hiện mỗi ngày, để các ngày trong tuần đều là Valentine.

Kết nối với chúng tôi