hoangminhtonga
Trở về

Tin tức

Hoá ra, chúng ta có thể chưa hiểu gì về nhau.

Huấn luyện Tâm lý

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Hoá ra, chúng ta có thể chưa hiểu gì về nhau.

warning

Yêu là khao khát muôn thuở. Yêu mang đến cảm giác được quý trọng, khao khát, thuộc về, mình là duy nhất. Do đó, thời gian đầu khi yêu, chúng ta say mê nhau lắm mà điều này là cần thiết. Sự say mê làm cho cảm xúc của cả hai dạt dào, thôi thúc gắn kết. Khi muốn gắn kết, tức là chúng ta muốn xít lại gần nhau: xa thì nhắn, gần thì gặp. Cưới nhau về, chúng ta lại gần nhau hơn mỗi ngày. Gần gũi nhau thì sẽ va vào nhau một cách vô tình hay hữu ý. Va thì sẽ chạm, chạm thì sẽ cọ, cọ thì sẽ làm đau nhau hoặc sát thương nhau.


Trong những lần sát thương như thế, chỉ có cam kết ở lại và sự thấu hiểu nhau mới là sợi dây giúp cho cả 02 người không buông tay. Hôm nay, chúng ta bàn về việc bạn có thể nhận ra bạn - chưa - hiểu - sâu nửa kia của mình.


Nhiều cặp đôi đến với chúng tôi trong tình trạng đỗ lỗi cho nhau, và đa số họ đều bày tỏ:

  • “Anh ấy không hiểu gì về tôi, chứ tôi rành anh ấy lắm?”,

  • “Tôi hiểu ông ấy quá rõ, cái tính nết đó là do….”

  • “Bao nhiêu năm sống chung, không lẽ tôi không hiểu bả?”


Các cặp đôi nghĩ rằng, trước khi họ cưới, họ cùng nhau trải qua những sóng gió cuộc đời hay thời gian dài hẹn hò là đã ‘hiểu nhau’. Thế là chúng tôi đặt những câu hỏi cho cả hai. Tính chất và mức độ hiểu nhau của từng câu hỏi tăng dần theo thời gian, ví dụ:

  • Anh/cô ấy thích màu gì? Anh/cô ấy thích ăn món nào nhất?

  • Anh/cô ấy thích đi du lịch ở đâu?

  • Gu đọc sánh, xem phim, ăn mặc của anh/cô ấy thế nào?

  • Trường Đại học mà anh/cô ấy theo học?


Không phải 100% các cặp đôi đều trả lời hết những câu hỏi trên, chưa tính đến việc trùng khớp câu trả lời. Chúng tôi hay nói “đùa”, đây là những câu hỏi mà khi mình đi du lịch cùng với ai đó thì họ cũng có thể biết được nếu mình chia sẻ.


Chúng tôi tiếp tục đặt thêm những câu hỏi:

  • Anh/cô ấy có vào đúng trường Đại học hay đang làm đúng công việc ước mơ không?

  • Anh/cô ấy mơ ước điều gì? Ước mơ đó thành hiện thực chưa? Nếu chưa, điều gì cản trở

  • Anh/cô ấy có bao nhiêu bạn thân? Khi anh/ cô ấy buồn nhất thì anh/ cô tâm sự với ai?

  • Trong gia đình gốc, anh/cô ấy thương ai nhất và nghe lời ai nhất? Tại sao?

  • Hiện tại, anh/cô ấy đang dằn vặt điều gì nhất?

  • Từ khi ra trường, anh/ cô ấy đã làm qua những công việc nào?

  • Nỗi đau, tổn thương nào về mặt tâm lý xuất phát từ thời thơ ấu của anh/cô ấy?

 

Khoảng 30-40% trả lời được các câu hỏi trên, chưa tính đến việc câu trả lời trùng khớp nhau.


Đây là những thông tin mà chúng ta không thể biết trong một ngày, một tuần mà cần thời gian chia sẻ của hai người trong những khung cảnh an toàn. Những câu hỏi trên có quan trọng không? Chúng tôi trả lời: vô cùng quan trọng! Chẳng hạn như, bạn không hiểu ước mơ của bạn đời thì làm sao sống trong ước mơ chung, làm sao đối thoại để cả hai cùng thực hiện ước mơ để cả hai cùng triển nở. Chuyện sẽ ra sao nếu anh muốn lập nghiệp tại Việt Nam nhưng chị muốn định cư nước ngoài.


Việc hiểu những công việc mà anh/cô ấy từng làm qua có thể cho bạn hình dung sự nỗ lực, khó khăn, chặng đường mà anh/cô ấy chinh phục cho ước mơ của họ, để bạn nhìn những việc họ làm hôm nay qua lăng kính thán phục.


Hiểu thêm về gia đình gốc của nhau, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy sự trợ giúp đáng tin cậu nếu biết ai là người trong gia đình mà anh/cô ấy thương và nể nhất. Để đến khi cả hai không thể mở lời, bạn có thể nhờ đến người mẹ, người bố, người anh, người chị của họ giúp tái gắn kết.


Bạn cũng sẽ cần hiểu, anh/cô ấy có bao nhiêu bạn thân. Khi anh/cố ấy buồn nhất thì họ gặp ai. Nhất là trong lúc này, lúc cả hai cãi vã hay đau buồn nhất, họ không tâm sự với mình, họ có nhu cầu tìm ai khác tâm sự, thì người đó là ai? Tại sao người đó không phải là mình? Điều gì làm cho người bạn đời của bạn không thể kết nối tâm sự với bạn khi họ đau buồn, thất vọng, thất bại trong cuộc sống. Nhất là, mối tình và cuộc hôn nhân đều trải qua những phút giây thịnh vượng và thời khắc gian nan.


Còn rất nhiều những câu hỏi để cả hai hiểu nhau. Hiểu để thấy được những khung cảnh lớn lên của nhau, hiểu để thấy những gian khó quá khứ của nhau, hiểu để thấy những gì họ làm hôm nay là do họ đang không ngừng nỗ lực. Hiểu phải hiểu thấu.

Thấu hiểu để biết rằng, những gì người kia đang làm cho bạn không phải là đương nhiên.


Chúng tôi thường hay nói với các cặp đôi rằng không đợi đến khi có sự cố, sự vụ, sự việc mới ngồi lại đối thoại. Đối thoại ngay cả khi hạnh phúc, thường thì chia sẻ đối thoại khi hạnh phúc mới xây dựng bề dày tình nghĩa để dùng cho phút khó khăn.


Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn rất thương những cặp đôi, cặp vợ chồng đã mất kết nối từ lâu, dẫn đến việc không còn động lực chia sẻ. Bạn có thể bắt đầu nghĩ đến việc cần trợ giúp từ các trung tâm hỗ trợ Tâm lý chuyên về Cặp đôi, tự tìm hiểu qua các khoá huấn luyện tâm lý về Tình yêu một cách khoa học. Trong trường hợp bạn rất cần ai đó lắng nghe, Đường dây Lắng nghe Yêu thương của Việt An mở vào 2:30-4:30, thứ Bảy hàng tuần có thể được bạn cân nhắc.


Hạnh phúc trong tình yêu là công việc đòi hỏi sự bỏ chung của cả hai hoặc ít nhất một người thay đổi. Hạnh phúc không thể đến nếu cả hai đều ngồi chờ đối phương làm gì đó cho mình. Hai bạn hãy là tâm giao của nhau chứ đừng sơ giao.

Kết nối với chúng tôi