hoangminhtonga
Trở về

Tin tức

Càng né "trách nhiệm" càng mất tự do

Chữa lành

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2023

Càng né "trách nhiệm" càng mất tự do

warning

Chúng ta không thể giải quyết sự việc nếu không đương đầu với nó!

Thật vậy, sự việc vẫn còn đó nếu chúng ta né tránh. Chúng ta có xu hướng “chỉ tay” vào người khác và bảo là vấn đề là do họ gây ra, không liên quan tới mình. Hãy nhớ lại phần trước, chúng mình có dịp nhắc đến khái niệm “đình hoãn khoái cảm” trong bộ bốn nguyên tắc của M. Scott Peck, ông chỉ ra rằng nên “khổ trước sướng sau” thì lần này chúng mình cùng tìm hiểu một nguyên tắc kế tiếp của ông, “nhận lãnh trách nhiệm”, trong quyển - The road less traveled.

Chúng mình cùng nhìn qua một ví dụ dưới đây.

Anh đến với chúng mình trong một tâm trạng rất tệ. Theo anh, nguyên nhân xuất phát từ “một người đồng nghiệp” làm anh phát “đi.ên”, anh xưng là “chị ấy”, người rất không quan tâm đến ai, sẵn sàng chỉ trích người khác đến độ anh và đội nhóm của mình luôn trong trạng thái căng thẳng tột độ khi giao tiếp với “chị”.

Một chút về anh.

Anh công tác tại một công ty chuyên về xa xỉ phẩm. Khi nhận công việc này, anh rất thích thú vì lương bổng và hoàn toàn trong khả năng của anh. Vào thời điểm xây dựng kế hoạch (KPIs) cho năm mới, anh tự tin đặt cho phòng ban mình những chỉ tiêu mà anh nghĩ là “đủ cao” để chứng tỏ năng lực lãnh đạo của mình. Quản lý trực tiếp đã nhắc khéo anh về KPIs có vẻ là khó nhằn ấy và khuyên nên xem xét những mục tiêu thấp hơn thay vì có thể sẽ huy động nhiều nguồn lực trong công ty. Anh kiên quyết không thay đổi chủ ý và cam kết có thể hoàn thành KPIs mà không cần huy động tài nguyên doanh nghiệp.

Tháng đầu tiên, anh vẫn say sưa với công việc của mình, nhưng thay vì mọi người tan ca lúc 18 giờ 30 phút thì anh và đội nhóm “cày cuốc” tận 20 giờ. Đến tháng thứ hai, đội nhóm của anh bắt đầu chậm lại vì “va chạm với một đồng nghiệp” theo anh là “vô lý hết sức”. Chị ấy là một thành viên trong Ban dự án mà anh đang phụ trách.

Theo anh, chị là người không thể hoàn thành tác vụ được giao nhưng lại thích “bình luận” sản phẩm mà người khác thực hiện thay cho chị. Chị trễ “deadline” tới 29 ngày và lý do đưa ra là “không biết cách để thực hiện”. Anh trách chị là sao không thông báo sớm mà cứ trong tình trạng “tỏ ra là biết” đến 29 ngày. Căng thẳng đỉnh điểm khi mà anh quyết định “ngắt kết nối với chị ấy” và “không muốn giải quyết xung đột”. Thay vào đó, anh báo cáo tình huống đến cấp cao hơn và đề nghị “phê bình” tác phong của người chị đồng nghiệp ấy. Cấp trên ghi nhận, nhưng tình hình vẫn không khả quan, anh vẫn stress, bế tắc và tìm sự tháo gỡ. Khi trò chuyện với chúng tôi, anh trách luôn cả cấp trên của mình đã tắc trách dẫn đến sự việc như hôm nay.

Theo nhà tâm lý học, Scott Peck, mình chỉ có thể giải quyết một vấn đề khi mình nhìn nhận rằng “đây là vấn đề của tôi và chính tôi có bổn phận giải quyết nó”, và quan trọng là nhìn thấy trách nhiệm của chính chúng ta như thế nào trong quan hệ giữa vấn đề đó với cuộc sống xung quanh. Sự phân định trách nhiệm này dẫn đến 02 chứng rối loạn là: đa mang và tắc trách. Người đa mang là người nhìn đâu cũng thấy trách nhiệm của mình, còn người tắc trách là người không nhìn nhận đủ phần trách nhiệm của mình. Gặp xung đột trong cuộc sống, người đa mang nghĩ ngay rằng lỗi ở tại mình. Người tắc trách sẽ bảo rằng chính người khác và cuộc sống xung quanh có lỗi, mình thì không.

Theo quan điểm của Peck, ông cho rằng nhiều người cùng mắc chứng đa mang hay tắc trách trong một số lãnh vực của cuộc sống. Vậy việc phân định đâu là trách nhiệm của mình, đâu là của người khác, há chẳng phải là tác vụ phải làm và suy ngẫm cả đời sao?

Mối quan hệ giữa “quá khứ lớn lên” của một đứa trẻ và lý thuyết của Scott Peck cũng được ông lý giải như sau. Trong quá trình đứa bé lớn lên, mối tương quan chính vẫn là với bố mẹ, người nuôi chính hay gia đình. Cha mẹ nếu yêu thương đầy đủ, lắng nghe nhu cầu của đứa bé sẽ dành thời gian đủ lâu để hướng dẫn cho đứa bé về trách nhiệm đúng đắn của bé. Bố mẹ phải cho con nhận lấy “hậu quả” và trách nhiệm của con trong hậu quả đó; những trách nhiệm nào mà con đang lẫn tránh hoặc nói cho con biết là hậu quả đó không phải lỗi của con, một cách đầy yêu thương, lắng nghe và đúng đắn.

Vậy, cha mẹ đa mang, thì họ đều nghĩ mình phải có trách nhiệm nuôi dạy con (trừ khi thái quá) thì họ có thể làm tốt vai trò của mẹ cha. Còn cha mẹ tắc trách, họ đa số sẽ vào vai của người cha người mẹ chưa tốt. Họ thường hay quy trách nhiệm cho cuộc sống, cho người khác, cho con cái họ. Với họ, con cái không nghe lời là do con cái vì con cái hư nên họ mới khổ. Họ có xu hướng la mắng và dùng những từ ngữ như :“Vì mày mà tao mới như vậy?”, “Vì mày mà tao mới mất mặt?”, “Phải chi sinh ra trứng vịt để nấu ăn”,…

Đứa bé sẽ không phân biệt được đúng sai trong những câu nói ấy, chúng mặc nhiên vì mình mà cha mẹ mới khổ, chúng trở thành người đa mang. Từ đó, sẽ rất nhiều hành vi được hình thành sau này.

Vậy quay lại câu chuyện ví dụ ban đầu và nhìn trên lý thuyết của Peck.

Có thể nhìn thấy “anh” là một người đa mang và “chị ấy” là một người tắc trách. Anh mong muốn gánh trách nhiệm trong dự án, chị là người thấy rằng dự án thành công thì mọi người phải cùng thực hiện, trách nhiệm là của mọi người, trách nhiệm của chị chưa nhiều (theo chị nghĩ). Có thể qua nhiều lần đối thoại không thành, anh không muốn giải quyết xung đột với chị. Vấn đề vẫn sờ sờ ra đó, mối tương quan không tốt ấy sẽ không tự mất đi, và sẽ không trông chờ anh giải quyết hộ.

“Nếu bạn không góp phần giải quyết vấn đề, thì bạn là một phần của vấn đề” - Eldrige Cleaver.

Một khía cạnh khá hay nữa mà Peck cũng đề cập đến là việc “anh” không đương đầu giải quyết vấn đề mà “trao cái trách nhiệm ấy” cho cấp trên. Ngay từ lúc đề xuất KPIs, anh đã lựa chọn cho mình bài toán khó vì anh xem là vừa sức trong khi cấp trên nhận xét là quá tầm. Anh có biểu hiện so bì với các nhân viên khác tan ca lúc 18 giờ 30 nhưng đội nhóm anh lại làm đến 20 giờ. Anh chia sẻ là mình có chút ganh tỵ và dánh nhãn các đồng nghiệp khác không chăm chỉ, không hiệu quả, không hy sinh cho công việc và công ty. Nhưng đó là lựa chọn của anh. Anh chọn lựa giải bài toán khó để đánh đổi sự tự do “ra về sớm” của anh và đội ngũ. Sau đó, sự va chạm với một đồng nghiệp không hiểu mình đã làm cho tình hình tệ hơn. Một lần nữa, anh chọn báo cáo lên cấp trên, anh đặt trách nhiệm lý ra anh phải giải quyết lên người khác, anh hy vọng vấn đề đó sẽ biến mất.

Ở cả hai tình tiết của câu chuyện, anh vô tình trao quyền hạn và sự tự do lựa chọn của anh lên người khác. Thật vậy, đi đến cuối câu chuyện, anh bảo với chúng tôi rằng, anh cảm thấy không thuộc về nơi này nữa nhưng vì cơm áo gạo tiền, anh vẫn đi làm mỗi ngày, anh mất tự do.

Nhà tâm lý học người Mỹ, M Scottt Peck gọi đó là “trốn chạy tự do”. Cả quãng đời trưởng thành là chuỗi liên tục của quyết định và sự lựa chọn cá nhân.

“Một khi họ hoàn toàn chấp nhận điều ấy, họ mới có thể trở thành những con người tự do. Trái lại, bao lâu họ chưa nhìn nhận điều đó, bấy lâu họ vẫn còn cảm thấy mình là nạn nhân của những sức ép ngoại tại” – Scott Peck.

Qua đây, chúng mình gửi gấm một thông điệp trong vấn đề đối mặt với trách nhiệm, lãnh nhận trách nhiệm, vấn đề sẽ không tự mất đi nếu không được giải quyết bởi chính chúng ta. Đôi lúc sẽ rất khó, cần nhiều công sức và thời gian nhưng sự bình an đến từ mức độ muốn nhìn lại sự việc và giải quyết của chính bạn.

Kết nối với chúng tôi