Tin tức
Làm sao để 'Góp ý Thấu cảm'
Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024
Làm sao để 'Góp ý Thấu cảm'
Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta muốn góp ý (*feedback) đến người khác về một việc hay sự kiện gì đó. Cụ thể như, bạn góp ý về cách nấu ăn hơi kỳ lạ của một người bạn. Bạn góp ý cách người khác quán xuyến công việc nhà cửa, bạn góp ý cách ăn mặc của người yêu, bạn góp ý cách làm việc của đồng nghiệp hoặc góp ý về cách chăm sóc khách hàng của một công ty…
Cũng có khi, lời góp ý đi kèm với lời phán xét hoặc quy kết, ví dụ: “Cơm này nhão quá. Lần sau, em nấu cơm phải canh mực nước như thế này nha. Nấu cơm thế này thì lớn lên làm nên trò trống gì?”
Chúng mình có thể hình dung, sau những lời nói mang tính góp ý, chính bản thân mình và người nhận góp ý có thật sự vui và thấy triển nở không?. Nếu có, những cảm xúc vui, tích cực khởi phát sau những góp ý đối với cả người nói và người nhận góp ý có chiếm ưu thế không?.
Có hay không, một mối tương quan bị đổ vỡ sau những lời góp ý. Dẫu rằng, những lời góp ý cũng có thể xuất phát từ ý nghĩ tốt đẹp. Cũng lắm khi, những lời góp ý không xuất phát từ niềm tin mong muốn đóng góp xây dựng mà chỉ để muốn cho thấy ‘tôi tài giỏi’.
Xét dưới góc nhìn của người nhận góp ý:
Theo Thuyết trị liệu Nhận thức và Hành vi (CBT), rất nhiều người trong chúng ta lớn lên trong quá khứ không được ghi nhận, hoặc không cảm nhận được tình thương từ gia đình gốc. Giá trị thấy mình ‘đáng được yêu thương’, ‘mình có khả năng làm chuyện này chuyện kia’, ‘mình là người tốt’ đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta nhìn về bản thân và tương tác với người khác.
Vì một lý do nào đó, một người chẳng bao giờ được nghe tiếng yêu thương từ gia đình, dĩ nhiên họ cũng chẳng bao giờ được khen, được ghi nhận, thậm chí là xác nhận. Họ lớn lên trong sự thèm khát được ‘nghe một lời khen’, đối với họ khen đồng nghĩa với việc ‘gia đình chấp nhận tôi’, ‘ba mẹ thương tôi’, ‘tôi được thương’. Trái lại, ai đó chê tôi, có nghĩa là ‘họ từ chối con người tôi’, ‘tôi không được yêu thương’.
Một sự góp ý không đúng với tâm tư của họ, họ sẽ bật ra ý nghĩ tự động: ‘mình làm sai’, ‘họ chê mình’, ‘họ không hài lòng với mình’, ‘họ không thương mình’, ‘họ từ chối con người mình’, ‘mình lại không được thương’. Cảm xúc tiêu cực chiếm ưu thế trong lòng họ. Hành vi sau đó sẽ là phản ứng mạnh với người góp ý, rút lui, hoặc tránh né giao tiếp. Nhìn chung, lời góp ý sẽ khó đi vào lòng họ.
Người có niềm tin cốt lõi là ‘mình không đáng được yêu thương’ hoặc ‘mình không có năng lực’ sẽ vô cùng khó nhận lời góp ý. Không có gì phải oán trách họ, vì họ lớn lên trong khung cảnh cực kỳ ít được ghi nhận nên câu góp ý sẽ dễ dàng kích hoạt những cảm xúc tiêu cực bên trong họ. Do đó, từ tốn quan sát cảm xúc, hành vi của những người mà mình góp ý sẽ giúp chúng ta phần nào có những động thái góp ý đúng và giúp cho công việc chung được tiến triển và cả hai đều triển nở.
Xét về góc nhìn của người góp ý:
Theo Trị liệu Nhận thức Hành vi (CBT), ý nghĩ dẫn đến cảm xúc, cảm xúc sẽ thôi thúc hành vi. Khoảnh khắc từ cảm xúc chuyển thành hành vi thường vô cùng nhanh, chúng ta hay bỏ qua hoặc không gọi được tên những cảm xúc đó. Trong cuộc sống, khi chúng ta muốn góp ý ai đó thì vài “tips: mẹo” có thể giúp đưa ra những góp ý chân thành và vui vẻ.
Trước tiên là hãy dừng lại một tý và thử nghĩ: ‘điều gì thôi thúc mình muốn góp ý’ và ‘cảm xúc gì đang khơi dậy’. Chẳng hạn như:
Mình muốn góp ý về cách ăn mặc của người yêu là vì nhìn thấy những điểm cần cải thiện để người yêu luôn chỉnh chu trong mắt người khác hay mình muốn người ấy ăn mặc theo ý mình. Cảm xúc lúc đó là vui vẻ hay cáu gắt, thậm chí là ghen.
Mình góp ý đến kênh Chăm sóc Khách hàng (CSKH) của một nhà hàng là vì thấy họ phục vụ không như những lần trước, để họ điều chỉnh tốt hơn hay lòng mình muốn chứng tỏ ‘tôi là người sành ăn’ hoặc đơn thuần chỉ là bộc phát cảm xúc khó chịu vào đối tượng khác.
Mình góp ý cho đồng nghiệp tại buổi họp dự án là vì nhìn thấy tiềm năng phát triển của dự án, giúp đồng nghiệp/ công ty tìm ra yếu tố mới lạ để khai thác thị trường hay chỉ vì muốn các thành viên còn lại ‘nhìn thấy vai trò của tôi’, ‘tôi giỏi’, hoặc ‘góp ý cho có vẻ là có ý kiến’.
Tiếp theo là đừng nhìn thấy một lỗi của người khác mà bác bỏ cả quá trình người ấy cố gắng. Cũng có thể, điểm góp ý của mình chưa chắc đúng.
“Nấu cơm mà cũng nhão thì lớn lên làm gì ăn?”
“Ăn mặc lôi thôi thế này thì sao mà làm việc lớn.”
“Nhà hàng lớn mà món ăn chất lượng không đều thì còn làm được cái gì nữa?”
“Không nhìn hết các yếu tố của dự án thì còn làm gì ra kết quả?”
Những góp ý kiểu này đã vô tình phủ định toàn bộ công sức và sự cố gắng của họ. Chuyện ‘nấu cơm nhão’, ‘ăn mặc lôi thôi’ không liên quan đến ‘tiềm năng và sứ mạng’ của người ấy. Chúng mình cần được biết và hiểu rằng ai cũng có giới hạn, kết quả mà mình thấy hiện nay có thể là cả một sự nỗ lực kinh khủng từ phía họ. Một cậu bé có tuổi thơ cơ cực, chưa một lần có chiếc áo đẹp thì ‘ăn mặc sẽ lôi thôi’ trong mắt mình. Thời điểm kinh tế khó khăn, một doanh nghiệp cố gắng mỗi ngày để phục vụ khách là điều đáng quý. Đừng vội quy kết một sự việc cụ thể vào sự cố gắng, ước mơ, giá trị của người khác khi chưa hiểu rõ lịch sử của họ.
Cuối cùng là dành một đoạn thời gian để tìm hiểu về khung cảnh lịch sử của sự việc để khen, ghi nhận và xác nhận đúng trường hợp và đừng vội đưa ra lời khuyên.
Anh nhìn thấy em dạo này đi làm suốt, anh hiểu chắc là em mệt lắm? Đôi khi, anh thấy em không còn thời gian chú ý đến vẻ ngoài của mình, anh thương em quá. Em có cần anh chuẩn bị trước quần áo cho ngày hôm sau em đi làm không?
Chào em A, cảm ơn A đã tiếp nhận tin nhắn/ cuộc gọi của chị. Gia đình chị hay dùng cơm chiều tại nhà hàng X vào mỗi cuối tuần. Bọn chị hay gọi món cá kho vì món có vị khá giống với nhà chị. Lần trước, gia đình chị có đến thì vị cá kho không còn giống như những lần trước. Nhà hàng mình có đông khách lắm không hay đang có sự điều chỉnh trong công thức của món cá kho em nhỉ?
Cảm ơn anh A đã trình bày dự án “Cắt giảm chi tiêu trong khâu vận chuyển”. Đây là dự án trọng điểm của công ty, em nhìn thấy sự đầu tư của anh và đội nhóm. Qua phần trình bày trên, em thấy bộ phận tài xế cũng rất quan trọng. Em không biết ý của anh thế nào?
Sau hết, chúng mình có bình an sau những lời góp ý không, dù là người góp ý hay người được góp ý. Góp ý là cần thiết trong cuộc sống, đặc biệt là môi trường công sở, qua đó chúng ta nhìn thấy những điểm yếu cần cải thiện, điểm mạnh để phát huy. Những góp ý chân thành sẽ phải đến từ lòng thương xót và tình yêu thương. Lòng thương xót là khi nhìn thấy yếu điểm của một người, chúng ta nghĩ về quá khứ của họ, những cố gắng và giới hạn của họ. Vì vốn dĩ, con người có giới hạn.