Tin tức
Sếp không làm gì sao vẫn "run" khi giao tiếp
Thứ Năm, 8 tháng 6, 2023
Sếp không làm gì sao vẫn "run" khi giao tiếp
Quyền bính có lẽ là một từ không mấy thông dụng với tất cả chúng ta. Có nhiều nguồn tài liệu lý giải về ý nghĩa của “quyền bính”. Một trong những cách tiếp cận khá cụ thể là Quyền = cái uy thế để thực hiện, định đoạt, sai khiến, đòi hỏi... mà người khác phải chấp nhận, tuân theo; Bính = quyền điều khiển, chỉ huy, ra lệnh.
Nỗi sợ “Quyền Bính” là sợ phải đối mặt, đương đầu với hình ảnh, khung cảnh, ai đó, cơ chế, quy trình mà mình cảm thấy bị sai khiến, định đoạt, chỉ huy, ra lệnh. Góc nhìn thể lý, có bao giờ bạn run tay, hồi hộp, tim đập nhanh, lo lắng, lúng túng, ấp úng, mất bình tĩnh, thậm chí là những cử chỉ vô thức như cắn môi, hay bàn tay nắm chặt,… khi đối diện với những cảnh huống sau đây không?
Khi phải nói chuyện với sếp?
Khi đối mặt người có quyền lực cao hơn?
Khi phải tiếp xúc “trách nhiệm” với người có thẩm quyền cao hơn?
Khi bị “challenge” (thách thức) trong công việc, cuộc sống?
Khi tiếp xúc với người mà lòng mình nghĩ “họ” đang ra lệnh, sai khiến mình?
Thậm chí là khi tiếp xúc với cơ quan có thẩm quyền,
Chính những người lớn trong gia đình…
Vi tế hơn là thống trị người khác trước khi họ “áp đặt quyền hành” nào đó lên mình?
Không loại trừ khả năng là chúng mình chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết như đối thoại, thuyết trình, giải quyết vấn đề, ngoại giao,… Nhưng nếu bạn đã kinh qua quá nhiều lớp kỹ năng mà tay vẫn run, chân vẫn níu mỗi khi đối diện với hình ảnh quyền bính, thì đó có thể là nỗi sợ đã ăn rất sâu vào vô thức của bạn.
Đây là một trong những nỗi sợ khó phát hiện nhất và đang “ẩn nấp” dưới những lớp mặt nạ với tên gọi khác nhau như: “nhân viên biết nghe lời”, “cúc cung tận tuỵ”, “vong thân phục vụ”, “luôn biết nghe lời”, “con ngoan”, “vợ hiền”,...
Những lớp mặt nạ có một điểm chung là giúp chúng ta xoa dịu tâm trí, trấn an bản thân là mình ổn nhưng năm tháng qua đi mình vẫn rất sợ, về lâu dài dễ cảm thấy thất vọng ở chính mình vì vuột đi nhiều cơ hội hoặc kiệt sức vì phục tùng.
Một trong những lý do khó phát hiện ra nỗi sợ quyền bính là khi chúng ta “bị cảnh huống dẫn dắt” sang một giai đoạn mới của suy nghĩ, chẳng hạn như các tình huống sau:
Khi trình bày kế hoạch kinh doanh với lãnh đạo: đồng nghiệp của mình tự tin thuyết phục sếp và được đánh giá, trong khi mình có ý kiến có thể tốt hơn nhưng không thể bày tỏ. Lúc này, có thể bạn nghĩ bản thân là “không tự tin” hay “chưa gặp thời”.
Trong buổi tiệc giao lưu với lãnh đạo cấp cao: bạn bè cùng thâm niên thì luôn hăng hái bắt tay và trò chuyện cùng lãnh đạo, còn mình cứ tìm cách lẫn tránh ánh nhìn từ họ. Lúc này, có thể bạn tự nghĩ là mình “không thích khoe mẽ”, “thanh giả tự thanh”.
Trong 02 ví dụ trên, rõ ràng chúng ta có thể “tự làm dịu tâm trí” sang những ý nghĩ khác như “không tự tin”, “thời chưa tới”, “không thích khoe khoang” rồi chúng ta lại tìm cách khắc phụ sự tự tin, chờ thời đến hoặc cứ để yên đó vì mình không thích vênh váo. Khắc phục mãi mà vẫn vậy nên càng thấy thất vọng, bế tắc.
Sự việc sẽ phức tạp hơn nếu chúng ta vừa là người “không biết cách từ chối” và còn “sợ quyền bính”. Đây là công thức hoàn hảo để cho tiến trình “vong thân” diễn ra nhanh hơn.
Xét dưới góc độ nguồn gốc, không phải từ lúc sinh ra là chúng ta có nỗi sợ quyền bính.
Đó là cơ chế phòng vệ mà chúng ta đã mang theo từ xa xưa khi có những trải nghiệm tổn thương với một hoặc nhiều người, có “quyền” cao hơn mình trong thời thơ ấu. Mà đã là thời thơ ấu thì chúng ta luôn nhỏ bé trước gia đình, bố mẹ, người thân xung quanh. Nỗi đau ấy vẫn còn, chỉ là được người bạn “vô thức” gói ghém cẩn trọng và cất vào một góc nào đó của tâm trí, sẽ tự động kích hoạt khi hình ảnh quyền bính được nhắc tới. Để kiểm soát được mặt nạ vô thức, chúng ta phải tìm lại cái góc nhỏ của tâm trí, mở chiếc hộp mà “vô thức” đã gói ghém nỗi đau ấy, nhìn lại nó, đối diện và cho đi.
Tìm lại, nhận diện nỗi đau không có nghĩa là “truy vấn” người gây ra tổn thương ấy, mà qua đó chúng ta tập cách hỏi và học cách hiểu quá khứ của người làm mình đau. Họ cũng rất tổn thương, họ dùng “cơ chế” phòng vệ đó sống cùng chúng ta!
Sau hết, hành trình tìm lại nỗi đau suy đến cùng là hành trình thấu hiểu về lịch sử lâu năm của gia đình, để nhìn dưới ánh mắt bao dung, để tha thứ, để được ôm chặt và sống vì thế hệ tiếp theo.