Tin tức
Vì con, chị phải "quay về" làm con của mẹ chị
Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2023
Vì con, chị phải "quay về" làm con của mẹ chị
Anh nhắn tin vào Fanpage của chúng tôi. Dòng tin gãy gọn, ân tình và từ tốn của một người đàn ông trung niên khiến chúng tôi bồi hồi khi nhớ lại. Nội dung tin nhắn là: "Tôi tìm chuyên gia tâm lý cho con gái mình."
"Tâm lý" hay "trị liệu" thường rất xa lạ với thế hệ trước, thậm chí coi là "bị điên". Đa số học viên hay thân chủ của chúng tôi đều là những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Không nhiều người tìm sự hỗ trợ cho người thân. Với anh và chị, vì con cái, họ đã thay đổi suy nghĩ và tìm đến tâm lý trị liệu vì yêu thương con.
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhận thức và hành vi của thân chủ. Họ sẽ được định hướng quay về quá khứ để nhận diện, quan sát và tìm hiểu những tổn thương trong gia đình thời thơ ấu. Quá trình này thường không dễ dàng, thậm chí đau đớn, giống như quá trình "lột xác", "xé mình" để đối mặt với chính bản thân và những người thân trong gia đình.
Do đó, chúng tôi tranh thủ sự yêu thương của anh chị với con gái, giúp họ hiểu thêm những khái niệm căn bản trong nuôi dạy con cái. Thoạt đầu, đây chỉ là động thái cộng thêm để làm tăng hiệu quả cho quá trình trị liệu. Thế mà, không một lời phiền hà, ánh mắt của anh chị luôn ngập tràn hy vọng, vô cùng khiêm nhường nghiên cứu từng quyển sách do chúng tôi giới thiệu, mở lòng mình tiếp thu kiến thức từ lớp Dạy con, Quản lý cảm xúc. Anh chị mong có thể nói cùng một ngôn ngữ khi con mình kết thúc mỗi phiên trị liệu. Họ ngồi học thêm kiến thức vì con!
Chưa dừng ở đó, chúng tôi bất ngờ khi người mẹ - chị đăng ký tham gia khoá trị liệu nhóm Tái lập trình Quá khứ - Tìm bình an Hiện tại, với mong muốn ban đầu “thoát khỏi cảnh huống hiện tại”. Chị nói: “Chị sẽ không hiểu con mình nếu chị không sống một “đời” nữa với vai trò của một người con”. Chị muốn quay về quá khứ để hiểu về mẹ chị!
Đến nay là 11 buổi trị liệu nhóm, 11 lần di chuyển từ Biên Hoà về Sài Gòn, dáng người gầy gầy, thỉnh thoảng đăm chiêu, kiến thức nào “chạm” chị vội vàng ghi chú với khoé mắt suy tư. Chúng tôi biết, chị nay đang nhớ về mẹ!
Trong không gian an toàn, chị ùa về biết bao những thước phim quá khứ mà lý ra đã quên từ lâu. Các mảnh vụn ký ức của những lần đòn roi thời 3-6 tuổi, là giai đoạn khủng hoảng nhất đã được vô thức giấu kín vào một góc nào đó. Người lớn hôm nay của chị bị dồn nén cảm xúc, khi đối mặt với những tình huống bị lấn át, chị cắn răng chịu đựng, khóc một mình thật lâu ở công viên. Khóc xong, chị vui vẻ ngoài mặt nhưng lòng đau nhói.
Nhà Tâm lý học Erik Erikson chỉ ra rằng để trở thành người lớn hôm nay, chúng ta phải học và trải qua các nhiệm vụ tâm lý ở từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Liên tưởng mang tính biểu tượng thì đây nôm na giống như Trò chơi Giải cứu Công chúa. Muốn giải cứu được Công chúa, người chơi phải hoàn thành các nhiệm vụ ở các màn chơi. Mỗi màn, người chơi được cung cấp cho các phương tiện khác nhau, phương tiện ở đây là những nhu cầu cần thiết.
Theo ông, giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi là thời kỳ đứa bé dịch chuyển ở hai thái cực là chủ động sáng tạo và mặc cảm tội lỗi. Tuỳ vào mức độ được nhận các “nhu cầu” cần thiết từ cha mẹ, gia đình để học và hoàn thành các “nhiệm vụ” tâm lý, đứa bé sẽ phát triển đến mức độ nào trong sự chủ động sáng tạo và mặc cảm tội lỗi.
Nhiệm vụ ở độ tuổi từ 3 đến 6 là đứa bé phải học biết tốt xấu, xây dựng sự trân quý bản thân, học cách tương quan, khám phá thế giới, đặc biệt chính là cơ thể của bé.
Đề hoàn thành nhiệm vụ trên, đứa bé cần cha mẹ và gia đình đáp ứng các nhu cầu sau: nhu cầu được ghi nhận giá trị, dù thỉnh thoảng hành xử tệ, nhu cầu được nâng đỡ để làm nhiệm vụ khám phá hiếu kỳ của tuổi, nhu cầu nhận được phản ứng đúng cách của cha mẹ khi khám phá cơ thể.
Tuổi này trẻ thường có khuynh hướng chơi đóng vai, khám phá cơ thể. Khi bị la mắng, ngăn cản thì bé có cảm giác tội lỗi, bé thấy mình không đủ tốt, mình tệ, xấu xí và không thể có quyền làm chủ hay kiểm soát thế giới xung quanh. Có thể tâm lý “nạn nhân”, cảm giác bất lực cũng được gia tăng trong giai đoạn này nếu khi bé chủ động sáng tạo điều gì đó mà luôn bị cha mẹ kiểm soát, ngăn cấm.
Đứa trẻ rất thông minh nhưng sự phân định đúng sai còn chưa phát triển toàn diện. Đứa bé chưa phân biệt được là trong cái sai cũng có cái đúng. Một trận đòn từ mẹ, đứa bé đơn thuần hiểu là, mẹ không thương mình. Mẹ nuôi mình nên mẹ có giá trị, mà mẹ không thương mình tức là mình không được ghi nhận giá trị.
Câu chuyện thơ ấu của chị nổi bật nhất là những trận đòi roi từ mẹ trong giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi. Từ khi chị hiểu vấn đề của mình hiện tại được liên kết từ quá khứ, chị bắt đầu tìm hiểu “đứa trẻ bên trong của mẹ chị”, lý do mẹ mắng và đánh chị. Vì mẹ chị có được học hay chữa lành đâu. Chị xuất phát từ việc “muốn thoát ly tình huống hiện tại” và kết thúc ở việc “tìm hiểu nỗi đau của mẹ mình”, để thương mẹ hơn.
Thật vậy, “tìm ra người gây tổn thương để yêu thương họ.”
Chúng ta may mắn được tiếp cận với những kiến thức về tâm lý, tìm thấy “đứa trẻ bên trong” tổn thương của mình thì người gây ra những thương tổn đó cũng từng là đứa trẻ. Dĩ nhiên, khung cảnh họ lớn lên của đau đớn, thậm chí hơn mình.
Giờ đây, chị hiểu mẹ của chị.
Khi chị hiểu mẹ với vai trò người con, chị sẽ hiểu hơn về nhu cầu của con gái mình.
Triết lý của chị nghe có vẻ đơn giản mà ngay cả những người làm công tác chuyên môn phải học hỏi.
Vì con, vợ chồng chị tìm hiểu về tâm lý
Vì con, vợ chồng chị ngồi học với con
Vì con, chị trở về làm con của mẹ chị
Vì chị, chị hiểu và yêu bản thân hơn
Vì gia đình, chị hiểu yêu là thương cho những nỗi đau của họ.
Sắp đến buổi cuối cùng của khoá này, chị nhìn tôi nói: “Nỗi đau nó xuyên thế hệ thật em à.”