hoangminhtonga
Trở về

Tin tức

"Yolo" là sống trọn từng giây hay mất dần khả năng Đình-hoãn khoái cảm

Chữa lành

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2023

"Yolo" là sống trọn từng giây hay mất dần khả năng Đình-hoãn khoái cảm

warning

Hôm nay chúng ta bàn về khái niệm “Đình hoãn khoái cảm” – được giới thiệu trong ấn phẩm “The Road Less Traveled” (1978) của nhà tâm lý học lừng danh người Mỹ, Morgan Scott Peck (1936 -2005).

Anh được nhận xét là tài giỏi so với các bạn đồng trang lứa. Xuất phát điểm gian nan nhưng có thể nói là thuận buồm xuôi gió trong sự nghiệp khi anh bắt đầu ngay công việc tại một tập đoàn lớn sau khi tốt nghiệp.

Anh đến với chúng tôi với một câu hỏi lớn – anh trăn trở - “Sau hơn 10 năm làm việc, anh vẫn chưa có nhà, chưa có xe dù anh không phải là một người hoang đàng, sống phung phí.

Những bạn bè xuất phát chậm hơn anh, nhưng họ đã êm ấm và an cư lập nghiệp”. Dù đây chưa phải là câu hỏi sứ mạng trong đời nhưng cũng là nút thắt khá đặc biệt trong tâm thức anh.

Anh thân thiết với chúng tôi nên theo nguyên tắc đạo đức thì đây không phải là mối quan hệ thân chủ - chuyên gia tham vấn. Thế nên, chúng tôi bắt đầu bằng những câu chuyện từ quá khứ. Qua nhiều lần trao đổi, chúng tôi thống nhất những điểm nghe có vẻ không ăn nhập gì với nhau nhưng là những hành vi chuyển vị quan trọng.

  • Thứ nhất, anh chưa từng có ý nghĩ là sẽ mua nhà và mua xe với lý do Sài Gòn đông đúc đi xe không kinh tế, đã có nhà bố mẹ thì cần mua thêm làm gì. Với anh, tương lai anh khó đoán.

  • Thứ hai, anh có xu hướng thường xuyên trì hoãn công việc, đợi đến gần hạn chót mới bắt tay vào việc hoặc ưu tiên làm những việc dễ trước khi vào những thứ khó hơn để rồi không kiểm soát mức độ khó nhằn, phát sinh của tác vụ nên thường dẫn đến việc thất bại hoặc tốn nhiều công sức giải quyết.

Chúng tôi chợt nhớ đến một khái niệm trong bộ “Bốn Quy phạm” của nhà tâm lý học người Mỹ Morgan Scott Peck, khái niệm đó được tạm dịch sang tiếng Việt là “đình hoãn khoái cảm”.

Theo ông Morgan Scott Peck, “Đình hoãn khoái cảm” là một phương pháp bố trí những niềm vui và nỗi đau của cuộc sống sao cho thể gia tăng sự dễ chịu bằng cách đón nhận sự đau khổ trước (nguồn: The Road Less Traveled, 1978).

Đa số trẻ con đã tự chủ học và nhận biết phương pháp này từ rất sớm. Trẻ con biết ăn phần không ngon của chiếc bánh trước, phần đặc biệt để lại thưởng thức sau. Các con thường biết ngồi vào bàn học và làm bài tập về nhà trước khi đón chờ buổi chiếu phim hoạt hình lúc 19 giờ. Càng lớn lên thì khả năng này xem như “chuyện thời con nít”. Đặc biệt là một số phong trào ưu tiên hưởng thụ trước cực khổ sau, hay thanh xuân là chỉ có một, nên sướng trước khi tuổi già ập tới…

Điều gì đã làm cho khả năng “Đình hoãn khoái cảm” mất dần ở trẻ. Theo Morgan Scott Peck thì chưa có một lời giải thích khoa học nào được nhất trí cho vấn đề này, nhưng với ông, đó là do “lỗi” của bố mẹ.

Thời ấu thơ là khoảng thời gian đứa bé được sống và tương quan với bố mẹ là chính, nên bố mẹ là hình mẫu trong mắt trẻ. Nếu trong một gia đình, mà bố thường xuyên đánh mẹ, mẹ thường mắng bố thì cớ gì đi phạt một đứa anh lỡ tay đánh em vì giành đồ chơi. Đứa bé sẽ được dung nạp một thứ kỷ luật rất riêng của gia đình đó.

Ngoài ra, còn một thứ cao trọng hơn kỷ luật đó là tình yêu thương. Một gia đình khó khăn tài chính, các bậc cha mẹ học không cao nhưng họ yêu thương con cái vô điều kiện, những đứa trẻ lớn lên khả năng rất cao sẽ có một cuộc sống triển nở. Tình yêu là tất cả, là nền tảng nảy sinh sự sáng tạo.

Khi chúng ta yêu thương một điều gì đó, có nghĩa là điều đó có giá trị với mình, khi điều ấy có giá trị với mình thì mình ắt hẳn sẽ dành thời gian, thời gian chất lượng để vun vén, chăm sóc cho điều ấy. Khi cha mẹ thật sự yêu thương con cái của họ, họ dành thời gian quý báu của mình cho con họ và chỉ khi dành thời gian quý báu, các bậc cha mẹ mới thật sự tìm-hiểu-và-suy-nghĩ-về-các-nhu-cầu-của-con (chưa nói đến việc giáo dục con). Trong lớp học “Dạy để con triển nỡ”, cô Tố Nga hay nhắc – “Nếu các anh chị nói bận với con mình, tức nghĩa các anh chị đang được chiếm dụng bởi một thứ quan trọng hơn con của các anh chị”.

Cha mẹ nào yêu thương con sẽ hiểu con, sẽ ưu tư cùng với những quyết định cũng như những việc khó khăn của bé. Từ đó, đứa bé sẽ nhận ra một điều, cha mẹ chúng sẵn lòng chia sẻ ưu tư và bên cạnh mình. Chúng sẽ tự nghĩ rằng – “Nếu cha mẹ bên cạnh, chia sẻ cùng mình, thì những khó khăn trước mắt chưa-phải-là-điều-tệ-hại-nhất, và dễ dàng đón nhận nó”.

Theo Morgan Scott Peck, đây là bước đầu xây dựng tính kỷ luật.

Chưa dừng lại ở đây, một đứa bé được cha mẹ yêu thương, lắng nghe những ưu tư, chúng sẽ hiểu rằng mình có giá trị, khi đó nó sẽ biết quý trọng bản thân của đứa bé. Chỉ khi đứa bé nhìn thấy giá trị của bản thân, nó sẽ có tinh thần lành mạnh và nền tảng xây dựng tính kỷ luật vì một khi xem mình có giá trị, chúng sẽ làm những gì có thể để săn sóc chính mình.

Vậy điều này sẽ liên quan gì đến việc “Đình hoãn khoái cảm”? Vì khi tôi tin mình có giá trị, tôi tin thời gian của mình quý báu, nên tôi muốn dùng nó một cách khôn ngoan. Đây có thể là một cách giải thích cho việc, tại sao chúng ta cố gắng đi học kỹ năng quản lý thời gian nếu bản chất thời gian đối với chúng ta không có giá trị.

Nhờ sự yêu thương chăm sóc của cha mẹ, những đứa bé lớn lên không chỉ nhận biết được giá trị của chính đứa bé mà còn ý thức về sự an tâm sâu thẳm. Đứa bé cũng sợ bị bỏ rơi vì đối với chúng bị bỏ rơi đồng nghĩa với chết. Nếu được trao ban cho sự an tâm, đứa bé khi lớn lên sẽ không còn nỗi sợ bị bỏ rơi nữa, nó sẽ thấy thế giới là nơi trải nghiệm, khám phá vì tin rằng nếu mình tự do khám phá thì cha mẹ vẫn ở cạnh bên để che chở, chăm sóc, chia sẻ ưu tư. Những đứa bé như vậy sẽ có khả năng “đình hoãn khoái cảm tốt hơn” vì nó an tâm rằng, đối mặt với thách thức phía trước dù có khó khăn thì sau đó vẫn còn có gia đình. Ngược lại, có những đứa bé nghĩ nhà không phải là nơi an toàn!

Ở khía cạnh khác, những bậc cha mẹ vì lý do nào đó, họ không thể trao ban được sự trọn vẹn quan tâm, chăm sóc, ân cần, để tạo nên giá trị của một đứa bé. Đứa bé luôn cảm thấy lo sợ, nỗi sợ bị bỏ rơi. Nên khi trưởng thành, đứa bé rất kém trong việc xây dựng niềm tin, tin tưởng về sự an toàn phía trước và sự ổn định của cuộc sống. Trong mắt chúng, thế giới phía trước bất ổn, không dự đoán trước được thì làm sao chúng chấp nhận thử thách khó khăn trước khi mong chờ hay tin là có điều gì sung sướng về sau. Đối với chúng, tương lai là thứ gì đó mờ mịt.

Và giai đoạn này nếu liên kết với Erikson thì có thể giai đoạn từ 0-18 tháng, khủng hoảng giữa tin và không tin và sức mạnh học được là niềm hy vọng. Đứa bé học cách tin vào bản thân, tin thế giới, tin vào người khác đúng hoàn cảnh và đối tượng. Họ hy vọng dù khó khăn bây giờ nhưng sau này hạnh phúc vẫn tới, và niềm hy vọng rất quan trọng để sống.

Quay trở lại câu chuyện của người anh ở phần đầu, anh có một quá khứ mà thời điểm đó, bố mẹ đã có thời gian dài không sống cùng nhau, họ đã phải gửi anh cho bà nội và hàng xóm trông giúp. Anh của “thời đó” làm sao có thể nói lên nhu cầu của bản thân khi ở-nhà-hàng-xóm, khi mà chính sự yêu thương của bố mẹ là một điều gì đó không định nghĩa được chứ nói chi là xây dựng tính kỷ luật và giá trị nơi bản thân. Khi anh mới bắt đầu biết nghĩ, anh đã xem thế giới trước mắt là một nơi đầy rẫy nguy hiểm, chắc gì mình có thể sinh tồn! Cơ chế đó lớn theo anh, mặc dù học rất giỏi nhưng việc tối ưu hóa thời gian của mình là vấn đề lớn của anh. Suốt những năm tháng quá khứ, thời khắc vàng xây dựng bản sắc, giá trị bản thân, anh không có, anh luôn hoài nghi về tương lai thì làm sao có khái niệm hoạch định tương lai từ sớm.

Bạn mến,

Ba điều chúng tôi rút ra từ đầu câu chuyện tưởng như không hữu cơ nhưng lại có cả quá khứ để tìm hiểu. Anh bản năng học tập được sự đình hoãn khoái cảm từ bé, qua quá trình lớn lên, anh mất dần vì không nhận đầy đủ tình yêu thương đúng mực từ bố mẹ. Anh hoài nghi về giá trị của bản thân, anh xem tương lai là “điều gì đó bất ổn”.

Tất cả những điều đó đã trở thành nỗi đau ấp ủ trong con người anh.

Vậy nếu chúng ta không nhận thấy vấn đề hiện tại của mình, thì chúng ta cũng có thêm một góc nhìn lại về quá khứ để soát xét những giai đoạn trong thời thơ ấu có những biến cố quan trọng gì. Đó là những lịch sử hình thành nên người trưởng thành hôm nay.

P/S: Câu chuyện trên được xem xét với rất nhiều góc độ Tâm lý, “Đình hoãn khoái cảm” là một trong những khái niệm được xem xét giải thích.

Kết nối với chúng tôi